Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa thành ngữ
dừng 停
◎ Đọc âm HHV, đ > d (xát hoá) [NN San 2003b: 177]. AHV: đình.
đgt. thôi, ngừng (hành động). (Tự thán 74.3)‖ (Bảo kính 133.2)‖ Trong tạo hoá có cơ mầu, hay đủ hay dừng, mới kẻo âu. (Bảo kính 153.2, 159.1, 181.8): dịch từ thành ngữ tri chỉ tri túc tự lạc 知足知止自樂 (biết dừng, biết đủ, tự vui). Sách Đạo Đức Kinh có câu: 知足不辱,知止不殆 tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi (biết đủ không nhục, biết dừng không nguy)‖ (Vãn xuân 195.4). x. đừng.
đgt. hết. Có con mới biết ơn cha nặng, dừng lộc thì hay nghĩa chúa nhiều. (Bảo kính 164.6).
gạch 甓
◎ 󰍮, tục tự của bích 甓 (gạch), là chữ Nôm đọc nghĩa, chữ này đồng nguyên với bích 壁 (vách: cái xây bằng gạch). Kiểu tái lập: ?gak⁶ (a- gạch). Về ?g- [xem HT Ngọ 1999: 58, 61, 111, 114, 115]. Shimizu Masaaki cho rằng các ví dụ gày, gõ thuộc cấu trúc song âm tiết [2002: 768]. “gạch” (với *?g-) chuẩn đối với “sừng” (với *kr-) và đều được song tiết hoá.
dt. viên đất nung dùng để xây nhà. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.3). Các bản khác đều phiên “gạch quẳng”, cho là điển “phao chuyên dẫn ngọc 拋磚引玉 (ném gạch ra để dẫn dụ ngọc đến) để nói về chuyện làm thơ [cụ thể xem TT Dương 2013c]. ở đây phiên “gạch khoảng nào bày với ngọc” dẫn điển 瓦玉集糅 (ngoã ngọc tập nhu) tương đương với thành ngữ “vàng thau lẫn lộn” trong tiếng Việt. Vương Sung đời Hán trong sách Luận Hành viết: “Hư vọng lại mạnh hơn chân thực, quả là loạn trong đời loạn, người chẳng biết đâu phải đâu trái, chẳng phân biệt màu đỏ màu tía, chung chạ bừa bãi, gạch ngói chất bừa, ta lấy tâm ta mà nói về những chuyện đó, há lòng ta có thể chịu được chăng?’” (虛妄顯於真實誠亂於偽世人不悟是非不定紫朱雜厠瓦玉集糅以情言之豈吾心所能忍哉). Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ này để đối với một thành ngữ khác ở câu dưới là “sừng mọc quá tai”, thành ngữ sau là một thành ngữ thuần Việt, gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. x. khoảng.
hai thớ ba dòng 𠄩庶𠀧𣳔
Thng trỏ người không chuyên nhất vào một nghề cố định nào. “hai thớ ba dòng” là biến thể của “hai thớ ba ròng”, là câu nói về gỗ. Gỗ tốt là thớ và ròng mạch lạc, thớ ra thớ, ròng ra ròng. Loại gỗ này mới thành khí được. Gỗ rừng, gỗ vườn thì nhiều nhưng gỗ làm nhà cửa đồ dùng tốt thì không quá 20 loại. Còn gỗ lẫn lộn “hai thớ ba ròng” là gỗ tạp, không làm được gì, nếu làm cũng bất đắc dĩ. Nghĩa là không chuyên dụng. Nguyễn Trãi nói về “nghề cầm tay” nên mượn thành ngữ nghề mộc để nói về người không tinh thông nghề, mỗi thứ biết một tí thì hoạ may mới có người cần đến [theo ý kiến của NH Vĩ]. Một cơm hai việc nhiều người muốn, hai thớ ba dòng hoà kẻ tham. (Bảo kính 173.5).
khoảng 爌
◎ Là tục tự của 曠 [Vương Lực 1982: 344 - 347]. Phiên khác: “gạch quẳng: viên gạch vất đi” [TVG,1956: 92]. “hòn gạch đã vỡ mà quẳng đi lại còn đem bày với ngọc được sao?” [ĐDA 1976: 426, 762]. “quẳng” [Bùi Văn Nguyên 1994: 90], “une brique jetée ne peut être placée à côté du jade” [Paul Schneilder 1987: 163]. “viên gạch vỡ vất (quẳng) đi. Đời Đường, nhà thơ nổi tiếng hiệu hà qua đất ngô. Tiến sĩ thường kiến biết hà sẽ đi qua chùa linh nham, bèn đề trước lên vách hai câu thơ. Khi hà đến, quả nhiên đề tiếp thành bài tứ tuyệt tuyệt hay. Mọi người bảo đó là ‘ném gạch dụ dẫn ngọc’, ý chỉ lấy cái thô thiển để lôi kéo cái cao minh. Sau thành điển phao chuyên dẫn ngọc” [MQL 2001: 848].
tt. quãng, khi (từ dùng để hỏi thời gian), khoảng nào nghĩa là “khi nào”. Gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. (Tự thán 92.3). Phiên là “khoảng” vì những lý do như sau. Thứ nhất, đọc lại cả bài thơ chúng ta sẽ thấy bài Tự thuật này không có cứ liệu nào hé mở về chuyện Nguyễn Trãi đang bàn đến việc “phao chuyên dẫn ngọc” trong khi làm thơ. Bài thơ đậm chất thể nghiệm về cuộc sống, với mật độ dày đặc của các từ ngữ, điển cố, thành ngữ nói về cuộc sống, nhân sinh, đạo đức, tư văn của nho gia. Này là chuyện “tranh giành thời cơ”, chuyện được mất tình cờ trong cuộc sống, này là chuyện ăn ở ở đời, chuyện làm lành làm dữ, chuyện đức chuyện tài… Chúng ta không thấy con người thi nhân đâu cả, mà chỉ thấy một Nguyễn Trãi ưu thời trong cõi thế thái nhân tình. Thứ hai, về luật đối, chúng ta thử đọc lại câu thơ trong liên thơ của nó: gạch khoảng nào bày với ngọc, sừng hằng những mọc qua tai. Chữ “khoảng nào” đối với chữ “hằng những”. Nếu phiên “quẳng” thì sẽ phạm lỗi ngữ pháp, “quẳng” không đối với “hằng” được. Thứ ba, về ngữ liệu: câu 3 dùng điển 瓦玉集糅 (ngoã ngọc tập nhu) tương đương với thành ngữ “vàng thau lẫn lộn” trong tiếng Việt. Vương sung đời Hán trong sách Luận Hành viết: “hư vọng lại mạnh hơn chân thực, quả là loạn trong đời loạn, người chẳng biết đâu phải đâu trái, chẳng phân biệt màu đỏ màu tía, chung chạ bừa bãi, gạch ngói chất bừa, ta lấy tâm tình ta mà nói về những chuyện đó, há lòng ta có thể chịu được chăng?’” (虛妄顯於真實誠亂於偽世人不悟是非不定紫朱雜厠瓦玉集糅以情言之豈吾心所能忍哉). Nguyễn Trãi đã dùng thành ngữ này để đối với một thành ngữ khác ở câu dưới là “sừng mọc quá tai”, thành ngữ sau là một thành ngữ thuần Việt, gần nghĩa như câu hậu sinh khả úy. dân gian có chuyện, có anh học trò đi xin ăn, gặp ông quan, ông quan bảo: nay mười tư mai lại hôm rằm, học trò không làm, học trò đói ngàn năm. Anh học trò bảo: nay mồng một mai lại mồng hai, sừng không mọc, sừng mọc qua tai. Ý chuyện này nói rằng: cái sừng vốn mọc sau nhưng lại dài hơn tai, cũng như kẻ thiếu niên thường hay muốn vượt lên trên những người đi trước [chuyển ý ĐDA 1976: 762]. Dầu thấy hậu sinh thì dễ sợ, sừng kia chẳng mọc mọc hơn tai. (Bạch Vân )‖ Hay đâu tai mọc qua sừng, mới biết da kia hơn ruột (Sơn Hậu, 8).
lỗ ngư 魯魚
dt. chữ lỗ 魯 và chữ ngư 魚, hai chữ gần giống nhau nên hay bị lầm, giống như chữ tác đánh chữ tộ, có thành ngữ lỗ ngư hư hổ 魯魚虚虎. Trường văn nằm ngả mấy thu dư, uổng tốn công nhàn biện lỗ ngư. (Mạn thuật 34.2).
nhà bằng khánh 茹朋磬
đc. HVVT Thng sách Quốc Ngữ phần Lỗ ngữ thượng ghi: “Nhà như treo khánh, đồng chẳng cỏ xanh” (室如懸磬,野無青草 thất như huyền khánh, dã vô thanh thảo), sau cụm thất như huyền khánh trở thành thành ngữ, ý nói trong nhà rỗng không, nghèo xơ xác không có gì. Quan thanh bằng nước nhà bằng khánh, cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng. (Tự thuật 117.5).
xống áo 𧚢襖
dt. Như áo xống, dịch chữ y thường 衣裳, xống: cái thường 裳, (đồ mặc ở thân dưới cho cả nam lẫn nữ). Sau xống trỏ cái váy của phụ nữ, Cả nhà có cái xống thâm, mẹ đi mẹ mặc con nằm tô hô cd. Chân tay dầu đứt bề khôn nối, xống áo chăng còn mô dễ xin. (Bảo kính 142.6). Dịch từ câu thành ngữ huynh đệ như thủ túc, phu phụ như y phục 兄弟如手足,夫婦如衣服. anh em như thể chân tay, vợ chồng xống áo đổi thay tức thì. cd
đồi 堆
◎ Nôm: 頽 AHV: đôi. Ss đối ứng tol, dol (15 thổ ngữ Mường) [NV Tài 2005: 216]. Đây là từ hán Việt-Mường. Ss đối ứng đoi trong tiếng thái như đoi inthanon, đoi suthep, đoi khuntan, đoi chiêng dao, đoi tung, thành ngữ chao khao chao đoi (người núi người đồi) [An Chi 2006 t5: 320- 321].
dt. HVVD đống, trong đồi núi. nguyên nghĩa trong tiếng Hán là một động từ với nghĩa “bồi, đắp” hoặc là cái đụn cát được bồi đắp ở giữa sông hoặc ven sông, “堆沙堆” (quách phác) [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 454], nghĩa này còn đối ứng trong tiếng Việt là doi (doi gốc Hán, cồn gốc Việt), rồi chuyển thành lượng từ, như câu: “dồn nên nghìn đống đất” (卷起千堆雪) [Tô Thức - niệm nô kiều]. Tiếng Việt xưa nay không phân biệt đồi, núi, đống, gò. Ví dụ: đống đa (núi đất có nhiều cây đa) còn được gọi là loa sơn, nay gọi là gò đống đa. Xét, đồi (堆) - (丘) - đụn (墩) - sơn (山) là gốc Hán; núi - đống - ngàn - non là gốc Việt. Cày chống tuyết ngâm đòi cảnh, cuốc chơi xuân khắp mọi đồi. (Ngôn chí 13.6).